Tượng trưng cho bầu trời, là một món quà của thiên nhiên, được chế biến hết sức công phu, hương vị thơm ngon không lẫn vào đâu được, không thể thiếu trong ngày Tết truyền thống của đồng bào dân tộc Mông, đó chính là món bánh dày. 

Món bánh dày của người Mông có hình tròn, màu trắng của nếp nương vô cùng ngon mắt, được làm hoàn toàn từ hạt thóc nếp nương, mà nếp được chọn lựa để làm bánh phải là hạt nếp gien gốc vùng cao và không có pha tạp thì mới thực sự dẻo thơm, làm bánh mới thực sự ngon được. Gạo đồ cơm để làm bánh dày hoàn toàn được giã thủ công, nên muốn làm được chiếc bánh ngon cúng lễ thì ngay từ khi thu hoạch về phải phơi sấy đủ nhiệt độ và vẫn còn lớp màng bám bên ngoài hạt gạo để tăng dinh dưỡng và mùi hương cho món bánh khi thành phẩm.

Ăn Tết với đồng bào Mông ở Điện Biên bằng món bánh dày

Nếp sau khi được đồ chín lên sẽ cho ngay vào cối giã nhuyễn, mùi thơm của xôi nếp lan ra khắp bản cùng tiếng chày giã cối xập xình làm cho người ta nao lòng. Và công việc có vẻ nặng nhọc này sẽ dành riêng cho các chàng trai lực lưỡng, còn các cô gái Mông xinh đẹp sẽ chuẩn bị lá để gói bánh.

Gói bánh dày sẽ là lá dong rừng có màu xanh đậm đã được rửa sạch bằng nước suối nguồn. Bánh được giã mịn màng, có màu trắng ngần, lại còn nóng hôi hổi được vo tròn lại xếp gọn trong tấm lá dong. Màu trắng, màu xanh của nếp và của lá gói như tượng trưng cho đất trời hòa vào nhau tuyệt đẹp vô cùng.

Tết của đồng bào người Mông ở Điện Biên diễn ra sau khi mùa màng được thu hoạch xong, khi thóc lúa, ngô, khoai đều đã được chất đầy trong nhà. Người ta thảnh thơi không phải lo chuyện đồng áng, ăn mừng vụ mùa vừa trúng, các nam thanh nữ tú xúng xính váy áo đi du xuân, không khí ngập tràn vui tươi. Đặc biệt có thêm món bánh dày nữa thì càng tô đậm thêm nét văn hóa dân tộc.